Tuesday, June 2, 2015

Những lời vệ cỏ...


         Tôi yêu những vệ cỏ từ thuở thiếu thời. Những vệ cỏ ướt lầm sương sớm một thời cuốc bộ đi học trường làng. Những vệ cỏ cháy khô nắng hè thuở trốn mẹ vứt dép chạy chân trần dang nắng bắt cào cào châu chấu. Những vệ cỏ mù bụi trên cái sân vận động trước cổng trường, chiều nào học xong cũng nấn ná vài giờ đá bóng. Những vệ cỏ tuổi thiếu nữ mộng mơ sẵn sàng dừng xe đạp giữa trưa nắng chang chang trên đường đến trường để ngắm mấy bông hoa dại, rồi cùng cô bạn gái thân đặt tên cho hoa, như thể hai đứa vừa có phát hiện mới.Những vệ cỏ đã trở thành kí ức xa xăm trên mọi con đường tôi đi qua thời thơ ấu. Tôi lớn lên, hết thời chân trần, lội bộ, hết thời nghêu ngao tha thẩn đường ngang ngõ tắt. Tôi đi giày cao gót, đi xe máy, xe hơi và thảng hoặc, trong những nỗi chán chường tốc độ, tôi nhớ về những vệ cỏ thanh thản của đời tôi.
         Tôi giã từ cuộc sống chóng mặt ở Hà Nội, Sài Gòn sang Mỹ. Tôi bắt đầu lại từ đầu, lại bắt đầu nhặt nhạnh vui từ vệ cỏ, trên những con đường xa quê nhà nửa vòng trái đất. Dẫu vệ cỏ nơi xứ lạ tôi qua ngập tràn hoa lá xanh tươi, chúng vẫn gợi nhắc tôi rất nhiều đến những vệ cỏ ấu thơ sực nức mùi bùn đất. Bởi tôi tin rằng, vệ cỏ ở đâu cũng nói những lời giống nhau, những lời níu chân người bước vội.
          Hoa lá vẫy chào như nhắc nhủ khách bộ hành chậm bước lại, dừng mắt vài giây mà thưởng thức một niềm vui. Ngắm hoa rồi, ta mới thấm thía lẽ này: mỗi bông hoa, dẫu phai tàn trong chốc lát, vẫn nở hết mình dâng hiến cho đời sống. Vậy tại sao ta lại có thể sống thờ ơ? Tàn phai trước mắt đâu phải là cái cớ...
           Một lần, vệ cỏ kể với tôi một câu chuyện xúc động. Bữa đó, không chỉ thấy hoa lá chim muông bên những vệ cỏ quen, tôi sững lại nhìn thấy một cái bàn gỗ thấp bé kê sát vệ đường. Trên cái bàn bày khung ảnh của một cụ già, mấy cái vỏ ốc, một bình hoa tươi và mấy cục đá. Tôi dừng chân ngắm nghía và đoán cái bàn ấy là góc tưởng nhớ về ai đó. Cái bàn chắc phải liên quan đến người ở trong ngôi nhà gỗ nhỏ, rủ bóng hoa ngay phía sau nó. Không phải nghi hoặc lâu, người hàng xóm của ngôi nhà gỗ thấy tôi dừng bước bèn tiến đến nói chuyện. Thì ra, đó là cái bàn tưởng niệm mà hàng xóm làm để nghĩ về cụ ông trong bức ảnh. Ông là một thầy giáo dạy tiếng Anh, vẫn chăm chỉ làm việc cho tới trước khi gặp một cơn đột quỵ và qua đời không lâu sau đó. Hai ông bà không có con cái nên sau khi ông ra đi, người vợ già sống một mình quạnh hiu. Hàng xóm thương hai cụ nên dựng góc tưởng niệm này để yên ủi cụ bà những ngày còn lại. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bàn tưởng niệm ấy, cụ ông mới mất vài tuần. Một năm sau tôi quay lại, những món đồ đã có dấu vết mưa nắng, song vẫn ở đó, ấm tình người!
           Bạn đã bao giờ nghe thấy những lời vệ cỏ, như tôi đã từng? Còn tôi, tự cảm thấy hạnh phúc và may mắn được chậm rãi sống và lắng nghe vệ cỏ. Một lần đi chơi ở San Francisco, ngồi trên xe ô tô, tôi nhìn thấy một ông già râu tóc xồm xoàm, áo quần luộm thuộm đứng bên đường cầm cái biển viết nguệch ngoạc mấy chữ: You woke up, so smile! (Bạn đã thức dậy, thế thì hãy cười đi!). Và miệng ông cười rất tươi, như thể đang làm mẫu cho cái khẩu hiệu của ông. Chắc chắn ông không làm thế để xin tiền, vì ông đứng bên một vệ cỏ cách xa đường xe chạy. Ở đó, không ô tô nào có thể dừng, dù họ có muốn cho ông tiền đi nữa. Tôi, vốn tin vào những lời vệ cỏ thì đã nghĩ rằng, ông là một hiện thân của những vệ cỏ tôi từng qua. Những vệ cỏ luôn đầy ắp suy tư và vô cùng hào phóng kể những câu chuyện của mình cho những khách bộ hành biết bước chậm.
            Viết đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện về một hình tròn hoàn hảo, cứ nghĩ mình hoàn hảo và hạnh phúc cho đến khi nó bị vỡ mất một miếng. Từ đó, nó không lăn nhanh trên đường được nữa, nó chạy chậm hơn vì hụt hẫng và khúc khuỷu do miếng vỡ mang đến. Nhưng cũng nhờ đó, nó nhìn thấy được nhiều thứ xung quanh trước đây chưa từng thấy vì lăn quá nhanh. Nó hiểu ra, lúc này, cùng với mảnh vỡ, nó mới thật là hạnh phúc!
Cũng như tôi, khi bước chậm lại trên đường, tôi luôn thấy mình là người hạnh phúc. Cảm ơn, những vệ cỏ của đời tôi!

Ảnh: Bàn tưởng niệm cụ giáo già (sau 1 năm gặp lại, ảnh chụp ngày 27/5/2015)

Berkeley của tôi

Mùa xuân tới, tôi sẽ rời Berkeley... Và tôi đã bắt đầu nhớ Berkeley từ những ngày đầu thu lá đổi màu day dứt, tôi đã hoài thương Berkeley như hoài thương một cố nhân ngay trong những giây phút mặn nồng yêu đương giữa lòng thành phố quyến hoặc, dịu dàng bên bờ vịnh San Francisco này.  Bằng những dự cảm xao xác của một tình yêu quá độ, tôi đã thấy tôi ở mùa xuân sau đang ngoái đầu ngoảnh lại luyến nhớ Berkeley - thành phố đã giữ cho tôi 3 năm trời kỉ niệm về những tháng ngày đầu tiên trên xứ sở cờ hoa.
Tôi sẽ nhớ những ngày đầu tiên bỡ ngỡ trong thành phố mới, vác bụng bầu nhấp nhổm nằm trong khách sạn cùng con gái chờ chồng chạy khắp nơi lo ổn định nhà cửa. Nhớ nỗi ngao ngán chán chường khi lần đầu tiên bước chân vào cái nhà sẽ ở, thấy trống hoác trống huơ chưa có tí đồ đạc gì. Nhớ những buổi bế bụng lang thang mệt nhoài mà hạnh phúc tự tay chọn mua từng món đồ nội thất. Nhớ niềm vui ấm áp trong căn bếp nhỏ, khi được nấu bữa cơm đầu tiên bằng nồi chảo mới tinh. Nhớ bao nỗi niềm ngổn ngang chưa kịp xếp thu gọn gàng vì những bận rộn của đời sống mới.
Tôi sẽ nhớ lắm căn nhà hai phòng ngủ bé xíu và một mảnh vườn con con có giá thuê cắt cổ ở thành phố đắt đỏ Berkeley – nơi tôi đã đón đứa con thứ hai sau hai tháng đặt chân lên đất Mỹ, nơi đầy ắp tiếng khóc cười thơ trẻ, nơi mỗi ngóc ngách đều hiện diện tình yêu gia đình. Tôi sẽ nhớ những buồn vui giận hờn chồng vợ, những tủi khổ với quê xa, những đêm rất dài nằm mộng thấy khu vườn cũ...
Có một lần, anh bạn Việt kiều sống ở San Francisco nghe tôi giới thiệu mình sống ở Berkeley đã thốt lên: ở đó thì chán chết! Tôi cười im, không nói năng gì, chỉ nghĩ thầm: tiếc cho anh đã không có cơ hội được Berkeley chào đón.
Tôi sẽ không quên cú điện thoại (vào một đêm đang lang thang ngắm nghía đồ ăn Á Đông ở chợ 99) mời đi dự tiệc Tết từ chị Nguyệt Cầm. Đó là cú điện thoại đầu tiên tôi nhận được từ một người bạn Việt Nam ở Berkeley – một người bạn ấm áp mà càng ở lâu tôi càng muốn gần, càng biết nhiều càng yêu quý. Tôi cũng chẳng quên mùi vị món gà kho gừng chị nấu gửi cho tôi những ngày tôi ở cữ. Rồi phở, bún... thi thoảng cũng được chị gói ghém gửi đến tận nhà, để một đứa mới xa nhà vừa ăn vừa rưng rưng vui. Với tôi, chị là định nghĩa đẹp đẽ đầu tiên về Berkeley.
Tôi thường nói đùa với mọi người, tôi sẽ sẵn sàng đi bất kì đâu trên nước Mỹ không nao núng, miễn là tôi biết rằng, ở đó, sẽ có một căn bếp như căn bếp của chị Nguyệt Cầm đang đón đợi. Căn bếp cứ dăm bữa nửa tháng lại rộn ràng xào nấu những món ăn Việt Nam, lại ấm tiếng cười trêu của bạn bầu quen thương khắp vùng Bay area đổ về tụ họp. Tôi sẽ nhớ những đêm trăng sáng đàn hát vang lừng trên đồi Berkeley, nhớ cảm giác thơ thới dưới sương khuya sau một cuộc hát thâu đêm, nhớ chếnh choáng thơm men rượu mận mấy chị em uống một lúc cả chai mà đố ai say nổi. Những hạnh ngộ vui tươi ở Berkeley, tôi sẽ giữ bên mình suốt hành trình sắp tới, bởi tôi vẫn tâm niệm ai là bạn mình, sẽ là bạn đời bạn kiếp, dẫu không được ở gần nhau.
Những ngày này là những ngày dằng dặc nhớ thương Berkeley, nên tôi tự cho phép mình nhẩn nha thêm một chút trên những con phố quen, thơ thẩn tìm đến vài ba cửa tiệm ưa thích chỉ để tán gẫu với mấy người bán hàng như những người bạn tôi sắp xa. Tôi kiếm cớ tụ bạ mấy cô bạn đồng cảnh ngộ lấy chồng xa, mấy người bạn tha phương đến từ những đất nước tôi chỉ biết đến trên bản đồ, chỉ để giữ lại thật nhiều yêu mến. Những người bạn ấy là một phần Berkeley trong tôi – phần yêu dấu nhất, sâu đậm nhất.
Nơi tôi sẽ đến, liệu có chút nào giống Berkeley phóng khoáng, cởi mở mà vẫn hiền hoà, tự nhiên – thành phố của giao thoa và những chuyển tiếp văn hoá bên bờ vịnh xinh đẹp Bắc Cali? Liệu những người tôi sẽ gặp trên những con đường mới ở thành phố lạ sắp tới có sẵn lòng tặng tôi một nụ cười không toan tính? Liệu ở nơi chốn tương lai ấy, người ta có đón nhận một cô gái da vàng như cách Berkeley đã nồng hậu đón nhận tôi? Dẫu vẫn đang sống những ngày gom kí ức còn lại ở Berkeley, tôi đã bắt đầu tự hỏi mình về nơi chốn mới, những câu hỏi khó tránh khỏi các trạng từ so sánh, mà trong đó, Berkeley vẫn là cái vế câu trĩu nặng...

Tôi biết mình chưa có câu trả lời về tương lai, nhưng tôi cũng biết tôi đã sẵn có câu trả lời cho tâm thế ở tương lai. Tôi sẽ mang theo tình yêu Berkeley, mang theo tất cả những bài học vỡ lòng thấm thía đầu tiên về xứ sở cờ hoa tôi đã học ở thành phố này để chào Berkeley đi đến vùng đất mới. Tôi sẽ mỉm cười với những người tôi gặp trên phố, như một người Berkeley thực thụ. Nếu ai đó có hỏi gia đình tôi đến từ đâu, tôi sẽ trả lời: chúng tôi đến từ Berkeley. Berkeley của tôi!!!
(Khởi viết Mùa thu 2014 - đầu hè 2015)
Ảnh: Căn bếp của chị Nguyệt Cầm

Monday, May 18, 2015

Người ngủ chung


Cuối cùng, tôi đã nghĩ tốt nhất là nên nhấc đôi mí mắt nặng trĩu lười biếng lên sau một đêm rất dài nhắm im lìm cơ hồ như dính chặt vào nhau. Những hình sắc mờ nhoè biến ảo thành muôn vàn con đom đóm trên võng mạc khiến đầu óc tôi quay cuồng. Hai tròng mắt nhức nhối những lưu ảnh nhoè nhoẹt của cuộc rượu đêm qua. Cứ nhắm mắt thì không thể thoát khỏi những đốm sáng nhảy múa một cách khó chịu đó. Nghĩ vậy, tôi he hé mắt nhìn ra. Căn phòng trống trải, mờ mờ trắng. Chỉ có một luồng ánh sáng uể oải hắt qua khe rèm cửa không kéo kín. Chẳng gì tốt hơn một buổi sáng mùa đông ủ ê mây mù thế này cho đôi con mắt nặng chịch chỉ chực rớt xuống và một cái đầu đau như búa bổ. Ánh sáng se dịu sẽ xoá nhanh đi mọi ảo giác vướng vất trong võng mạc và trong đầu.
Tôi thở phào khi nhớ ra mình đang ở New York và cuộc kí kết đã xong xuôi. Nghĩ thế, cơn đau đầu và cảm giác nôn nao trong ngực bỗng nhiên thành ra một thứ khoái cảm khác thường. Cơn mệt mỏi của thể chất sáng hôm ấy chính là một bằng chứng hiển nhiên cho thành công bất ngờ của tôi hôm trước đó. Dĩ nhiên, nếu tôi đã không kí được cái hợp đồng béo bở vào hôm trước với đối tác ở New York thì không bao giờ có chuyện tôi uống say đến thế! Tính nhắm mắt thưởng thức thêm chút nữa cái khoái cảm đặc biệt của những dấu vết hoan lạc còn váng vất trên cơ thể, tôi bỗng thấy cái điện thoại rung bần bật trong túi quần. Vẫn cố bám lấy những hư ảnh múa may trong võng mạc bằng cách nhắm nghiền mắt, tôi mò mẫm tìm điện thoại.
“Kien, đêm qua thật đặc biệt. Em vui lắm! Anh còn ở New York bao lâu? Lúc nào cần một bạn ngủ chung, nghĩ đến em nhé! Jill.” Jill? Ờ nhỉ, cô ta biến đi đâu rồi nhỉ?
Jill là một cô gái mảnh dẻ, tóc nâu nhạt, luôn mặc sơ mi trắng và váy tối màu. Chẳng cần phải kể đến cái kính cận gọng bạc luôn thường trực trên mắt và những nốt tàn nhang lấm chấm hai bên gò má, bấy nhiêu thôi đã đủ tôi định nghĩa Jill là một cô thư kí mẫu mực và mẫn cán. Jill không phải là thư kí của tôi (vì tôi sẽ chẳng bao giờ tuyển một cô thư kí khiến tôi có cảm giác sẽ ngửi thấy mùi giấy tờ nếu đứng cạnh kiểu đó!). Tôi thích chơi khăm đối tác bằng cách lựa những bạn đồng hành gây ngạc nhiên. Ví dụ gã thư kí của tôi phải có tướng tá của một tay chơi thể thao, còn cậu kiến trúc sư đi cùng tôi trông bụi bặm như một nghệ sĩ đường phố. Các đối tác thường nhìn tôi - gã đàn ông gốc Á mắt một mí hay cười, lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu đi cùng một đám bộ sậu trông không ăn nhập gì mấy bằng một cái nhìn khinh suất. Đó là tất cả những gì tôi cần, cho đến khi những thương vụ mua bán xong xuôi với phần lợi thế rõ rành rành nằm trong tay tôi.
            Suốt một tuần trời, tôi thường xuyên gặp Jill (cô thư kí luôn đứng khép nép sau lưng gã chủ béo phệ của công ty bất động sản đối tác ở New York) chỉ vì ước muốn điên rồ là có một công trình để đời ở thành phố đắt đỏ này bằng mọi giá. Tôi không để ý gì đến cô thư kí trông không có gì nổi bật ngoài cái vẻ đặc sệt giấy tờ hành chính ấy, cho đến buổi chiều tôi thoả nguyện ước mơ, mua lại được 1 toà nhà đổ nát ở quận Queens – nơi mà nhờ vào những vẽ vời tỉ mỉ của cậu kiến trúc sư, tôi đã hình dung ra mồn một cái toà nhà chọc trời tráng lệ như nó sẽ phải thế dưới tay tôi.
Chiều tối hôm đó, bộ sậu của tôi cùng với mấy người công ty đối tác – trong đó có Jill đi bar uống rượu mừng cuộc kí kết thành công. Lúc ở quán rượu, tôi thấy Jill biểu cảm và có một vẻ linh hoạt đặc biệt, khác hẳn vẻ mặt cứng đờ, nghiêm nghị tôi thường thấy trong văn phòng. Và điều đáng nói là cô nàng cứ quấn lấy tôi nói chuyện. Trong men rượu, tôi nhìn Jill nghĩ thầm: nếu cô em bỏ kính ra và chịu khó vén tóc cao lên thì trông cũng được lắm! Đôi mắt xanh biếc và đôi môi mỏng hơi hớt ở làn môi trên có vẻ gì đó rất ngây thơ, quyến rũ. Mà thực ra, tôi cũng không nhớ là mình  chỉ nghĩ như thế hay đã nói hẳn hoi ra với cô nàng. Chỉ biết là sau mấy cú đổi quán bar, khi đội hình tiệc tùng rơi rụng dần, tôi vẫn thấy Jill ríu rít ở cạnh tôi, cho tới tận khi tôi đã ở trong phòng khách sạn. Tôi không nhớ mình về khách sạn như thế nào, nhưng chắc là tôi đã buông lời tán tỉnh Jill trong lúc ngà ngà say, thế thì cô nàng mới lẽo đẽo theo tôi về tận phòng khách sạn chứ!
Liếc vội xuống người, tôi thấy mình vẫn đóng bộ sơ mi cài đủ cúc, quần tất chỉnh tề. Khỉ thật, thế tôi đã làm gì mà cô nàng lại bảo là vui nhỉ? Lại còn hẹn đến ngủ chung! Những hư ảnh còn lưu nơi võng mạc đã vỡ ra thành đom đóm cả, nên dù tôi có nhắm nghiền mắt để trí não lục lọi thì cũng chả thấy manh mối gì về đêm hôm trước bên cạnh Jill. Cô thư kí nhẽ ra tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến bỗng nhiên lại làm tôi tò mò.
Còn một đêm nữa trước khi về lại bờ Tây, tôi quyết định nhắn cho Jill. Đúng 9 giờ tối, cô nàng xuất hiện ở cửa phòng khách sạn, không đeo kính và tóc búi cao. Jill đứng ở ngưỡng cửa nhìn tôi bẽn lẽn một lúc, khiến tôi sực nhớ ra mình đã truyền cảm hứng cho việc không đeo kính và vén tóc thật cao của cô gái. Tôi ôm nhẹ vai cô, bảo: trông em tuyệt lắm! Dường như chỉ chờ có thế, Jill bước vào phòng với cái vẻ nhanh nhẹn thường thấy ở văn phòng. Cô xin phép dùng phòng vệ sinh, và trước khi tôi kịp nghĩ ra câu tiếp theo sẽ nói, Jill đã bước ra với một bộ đồ ngủ rộng thùng thình, chỉ thiếu cái mũ nữa là tôi tưởng một bà cô già đang vào nhầm phòng tôi. Không để ý gì đến vẻ mặt băn khoăn của tôi, cô nàng cầm một cuốn sách, leo lên giường của tôi bật đèn ngủ. Tôi hỏi Jill – cố tình phô ra cái vẻ ngạc nhiên được cường điệu thêm bằng cử chỉ của đôi bàn tay khua lên trong không khí: Ủa? Sao em thay áo? Tôi tưởng chúng ta sẽ đi uống chút gì đã chứ? Jill nháy mắt cười: chẳng phải tối hôm nọ chúng ta đã uống đủ rồi sao, nào, lên đây với em! Hôm nay, em mang theo cuốn Rừng Nauy đấy!
Trước vẻ tự nhiên của Jill, tôi chỉ còn biết cười nín thinh. Cơn nghi hoặc buổi sáng hôm trước kéo về trong đầu tôi. Rừng Nauy thì liên quan gì đến việc tôi đang định làm tình với cô thư kí của đối tác? Chắc nhìn thấy vẻ mặt đần độn của tôi lúc đó, Jill đã đoán ra phần nào sự tình. Cô chạy đến bên tôi, dắt tay tôi ấn xuống giường, nũng nịu hỏi: Chẳng phải anh đã bảo với em rằng, anh cũng từng mê Haruki Murakami suốt cả thời tuổi trẻ sao? Tôi mỉm cười, vòng tay ôm lấy thân hình mảnh khảnh của Jill: ừ nhỉ, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến việc anh muốn em, cưng? Rồi không đợi cô trả lời, tôi thành thục cởi tuột chiếc váy ngủ trên người Jill.
Cô thư kí tóc nâu có cơ thể của một cô bé mới lớn hơn là của một phụ nữ trưởng thành gần 30 tuổi. Làn da trắng xanh nhợt nhạt lấm tấm tàn nhang, đôi vú nhỏ với núm vú đỏ hồng trông trinh bạch đến nỗi tôi sững sờ mất một vài giây mới dám chạm môi vào. Jill cười khúc khích trước những tấn công của tôi, tuyệt vọng van lơn tôi quay về với cuốn sách bằng những câu đứt quãng vì tiếng nấc: em tưởng, ôi, em đã tưởng là chúng ta sẽ đọc sách trước chứ… Ôi… Làm sao tôi lại cho phép cô nàng đòi hỏi gì khác khi đã ở trong tay tôi.
Tôi im lặng chứng minh sức mạnh bằng việc chế ngự cô dưới sự căng cứng của mình. Tôi chẳng phải đợi lâu để nhận lại sự hưởng ứng nhiệt tình của Jill, thậm chí, cô nàng dường như còn muốn làm chủ cuộc vui. Jill cuồng nhiệt đến mức khiến tôi kinh ngạc. Nghĩ đến cô thư kí không có nét gì nổi bật trong những bộ váy áo thẳng thớm thường thấy, tôi có thạo nghề gái gú đến mấy cũng không thể nào tưởng tượng nổi mình lại có thể đạt đến trạng thái hưng phấn khác thường như thế.  
Khi đi sâu vào Jill, tôi đồng thời nhìn sâu vào đáy mắt xanh biếc của cô. Nhìn chòng chọc không chớp mắt. Tôi có thói quen nhìn sâu vào mắt bạn tình để ước lượng mức độ khoái cảm tôi mang lại cho họ, thay vì dò đoán qua những tiếng rên rỉ hay la hét mà tôi cho là không đáng tin cậy lắm. Trong đáy mắt xanh biếc của Jill, tôi đã đọc thấy tia sáng của những xúc cảm cùng cực. Nỗi đau. Niềm vui. Nỗi tuyệt vọng. Sự bấn loạn, điên rồ. Những đòi hỏi cao độ. Những giấc mơ. Tất cả loé lên trong đôi mắt mở to của cô gái ấy ở cùng một khoảnh khắc. Những tia sáng ấy kích thích tôi hơn mọi mơn trớn khác. Tia sáng ấy loé lên, rồi vỡ tràn trong đôi mắt Jill. Chỉ trong một khoảnh khắc, tôi thấy mình bị lôi cuốn và nhấn chìm trong cơn quẫn bách của phức hợp những xúc cảm trong Jill. Và cũng chính ở khoảnh khắc đón nhận tia sáng loé lên trong mắt cô, tôi nhận ra cái hành động bản năng đơn thuần giữa chúng tôi thực ra có một kết nối tinh thần nào đó rất mạnh. Tôi chịu, không thể biết đó là cái gì. Nhưng quả thực nó rất mạnh. Chúng tôi vỡ ra trong nhau kiệt cùng sức lực.
Quá ám ảnh vì đôi mắt Jill, tôi không còn nhớ rõ cô đã kêu lên những gì trong cơn cùng quẫn của xác thịt và linh hồn. Chỉ biết, sau cuộc làm tình, tôi đã giật mình kêu lên: máu?! Em còn trinh ư? Jill cười ủ rũ khiến tôi cảm thấy vô cùng ái ngại. Anh xin lỗi, anh không biết… Dường như Jill cũng đâm ra ái ngại cho cái vẻ ái ngại của tôi, cô với mấy ngón tay thanh mảnh bịt môi tôi lại, ra dấu im lặng. Chúng tôi nằm bên nhau im lặng như thế, cho đến khi Jill lên tiếng. Cô bảo: em không phải là trinh nữ đâu. Em nghĩ em đã mất trinh từ hồi em đọc Rừng Nauy. Năm em 16 tuổi. Em đã yêu cái anh chàng Toru nhạy cảm ấy. Em đã làm tình với Toru, trong mơ…
Tôi quay sang nhìn Jill chằm chặp, buột miệng hỏi: Vì sao em đã chọn anh? Ý anh là em đã có thể làm thế này với một đàn ông nào đó từ lâu rồi mà. Jill cười, nét mặt hoạt bát hẳn lên, đôi mắt long lanh nhìn tôi: anh ngố thật, hay là anh chưa đọc Rừng Nauy? Anh không thấy là anh giống Toru à? À, mà có thể anh tưởng tượng về anh ấy khác cách em vẫn nghĩ. Đó, lí do là thế đó! Anh giống hệt Toru trong tưởng tượng của em. Em sinh ra và lớn lên ở New York, quen biết vô khối người Á Đông, kể cả người Nhật, nhưng chẳng có ai giống Toru như anh. Buồn cười nhỉ?
Tôi cười nhưng thực lòng hơi bực bội. Giờ thì tôi hiểu tại sao Jill đặt cuốn Rừng Nauy sẵn ở trên giường, trước cả khi chúng tôi tình tự với nhau. Tự nhiên, tôi muốn đọc lại Rừng Nauy, chỉ để xem tôi giống cái thằng cha Toru kia như thế nào. Phần còn lại của đêm hôm đó, trong khi Jill tí tách nói về những cuốn sách mới của Haruki Murakami, tôi nằm ngấu nghiến đọc Rừng Nauy – cuốn sách tôi từng say sưa hồi còn học đại học hai chục năm về trước.
Sáng hôm sau, Jill rời khỏi phòng khách sạn trước khi tôi thức dậy. Tôi lại có thêm một buổi sáng nghi hoặc nữa trong khi cứ tưởng là làm tình với cô nàng xong, tôi sẽ chả có nhu cầu biết gì thêm. Tiếng chuông điện thoại báo tin nhắn reo lên, và tôi biết chắc đó là Jill, cứ như thể tôi và cô nàng là tình nhân của nhau từ lâu lắm.
“Kien, đêm qua quá tuyệt! Cảm ơn anh. Anh về an toàn nhé! Bao giờ quay lại New York và cần một người ngủ cùng, hãy nghĩ tới em. À, anh nhớ đeo nhẫn cưới vào nhé! Và nhớ là đừng bao giờ cởi ra tuỳ tiện thế! Jill.”
Khỉ thật, cô nàng nghĩ mình là ai mà lại còn lên giọng nhắc nhở tôi. Ảo tưởng! Tôi xua mọi ý nghĩ về Jill để sửa soạn ra về, tự nhủ tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại cô nữa đâu, cô bạn ngủ chung một đêm ạ. Dù cô để lại tin nhắn mời mọc, dù rằng, sau vụ kí kết thành công, trong vòng một năm, tôi sẽ đi New York liên tục. Tôi sẽ quay về tổ ấm của tôi ở Bờ Tây, và xem như cuộc tình một đêm kì lạ với Jill là một thứ quà khuyến mại cho những gì tôi đã làm được trước đó.
Tôi đã nghĩ như thế cho đến lần tiếp theo quay lại New York. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến gì mà tôi lại quyết định cầm theo mấy cuốn sách của Haruki Murakami để đọc trên máy bay. Cũng không hiểu những cuốn sách của nhà văn người Nhật đó gợi nhắc đến cuộc làm tình kì lạ với Jill hay là nó khiến tôi quên bẵng đi ý nghĩ quả quyết không bao giờ gặp cô nữa. Tôi lại gọi cho Jill, vào một đêm rảnh rỗi. Cô đến, mang theo sách. Chúng tôi làm tình. Và cũng như lần trước, tôi chỉ nhớ được ánh mắt của Jill, không gì khác.
Cứ thế, thành lệ, mỗi lần tôi đi New York là một lần gặp Jill. Jill không bao giờ nói yêu tôi, cũng không đòi hỏi tôi phải nói yêu cô. Nhưng tôi vẫn luôn luôn cảm thấy một sợi dây kết nối tinh thần, một mối ràng buộc tâm cảm nào đó đang diễn ra giữa tôi và cô, mạnh nhất là khi tôi nhìn vào đáy mắt cô trên đỉnh hoan lạc trong những cuộc làm tình. Suốt một năm trời, Jill đóng vai một người bạn ngủ chung với tôi, chia sẻ những ý nghĩ điên rồ thầm kín nhất với tôi. Tôi chẳng dại gì để lộ mình quá nhiều, nhưng một vài lúc bột phát, tôi đã kể cho Jill nghe về Hà Nội, về những giấc mơ thơ ấu của tôi, trước khi tôi đến Mỹ tìm chân trời mới.
Mỗi sáng trước khi ra khỏi phòng tôi, Jill luôn dọn dẹp sạch sẽ. Tôi không bao giờ tìm thấy bất kì dấu vết nào của cô trong phòng sau khi cô đã rời đi. Kể cả một cọng tóc trên gối cũng không. Ngay đến vết lõm trên chiếc gối cô nằm cũng được vuốt phẳng. Một lần, tôi phàn nàn rằng, thay vì mất thời giờ vào những việc dành cho người dọn phòng khách sạn, tốt nhất là cô đến đây làm tình với tôi lượt nữa trước khi về. Jill nhìn tôi cười bí ẩn: Kien, rồi một ngày, anh sẽ cảm ơn vì em đã không để lại dấu vết gì trong đời anh. Tin em đi!
Và cái ngày như thế cũng đến thật. Vào đúng cái buổi sáng Jill làm một việc khác thông lệ - để lại trên bàn viết của tôi một lá thư với nét chữ nghiêm ngắn như chữ của bất kì cô thư kí mẫu mực nào.
“Kien,
Đêm qua em mơ thấy anh. Kì không? Mơ thấy anh khi đang ở trong vòng tay anh. Em mơ thấy mình đi tìm anh giữa một đám đông huyên náo trong một ngôi nhà rất rộng. Đoán xem, ngôi nhà đó ở đâu? San Francisco!!! Em nhớ em đã sửng sốt cả trong mơ khi thấy mình đang ở nhà anh, trong bữa tiệc của anh, giữa bạn bè khách khứa của anh. Lúc đó, em chỉ có 1 ý muốn là tìm gặp anh để nói chúc mừng sinh nhật. Em chen chân giữa mọi người, luôn thấy anh phía trước, cách em chừng vài ba bước chân nhưng không cách gì giáp mặt. Em thấy anh nháy mắt cười với em. Nhưng em đã mệt rồi.
Em nghĩ là mình nên ra về, nhưng rồi lại thấy chân mình cuốn theo đám đông, kéo vào phòng ngủ của anh xem quà tặng bất ngờ của vợ anh. Nhìn thấy cái giường với bộ ga gối thêu cầu kì quà vợ anh mới tặng, em thôi luôn ý nghĩ ít ra nên cười chào anh 1 cái trước khi về. Chân em thoái lui chầm chậm ra cửa. Rồi em chạy một mạch khỏi ngôi nhà và bữa tiệc của anh, trong đầu chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để bắt được taxi. Nhưng ra khỏi vùng sáng của ngôi nhà, em mới nhận ra là em đã quên túi xách ở nhà anh.  Em quay lại nhưng bị lạc. Em tìm mãi không thấy cây cầu dài em đã chạy qua lúc ra khỏi nhà anh. Những lối đi trở nên quanh co, lầy lội, ngóc ngách, y như những con ngõ dài thăm thẳm giữa mùa mưa ở Hà Nội anh đã kể với em. Giữa lúc em đã kiệt sức tìm kiếm, bỗng nhiên có một cậu trai trẻ xuất hiện, nói với em: Tôi biết chị muốn tìm gì, đi với tôi. Giấc mơ của em kết thúc lửng lơ thế đấy! Em nên đi tìm cái kết cho nó chăng?
-Jill-
Từ hôm đó, tôi bặt tin Jill. Cô đổi số phone, chuyển việc và không bao giờ trả lời email của tôi, kể cả một cái email tôi đề tên: tôi yêu em với một dãy chấm cảm dài dằng dặc, chắc mẩm thể nào cô cũng động lòng. Đã hai năm, toà nhà mơ ước của tôi đã xây xong. Mỗi lần có dịp quay lại New York, tôi vẫn gửi những tin nhắn vào không khí, vẫn thuê phòng ở khách sạn quen trong khu China Town, hi vọng có lúc sẽ tình cờ gặp lại Jill. Tôi chẳng có manh mối nào về cô ngoài tên mấy cuốn sách của Haruki Murakami và mẩu thư kể về giấc mơ của cô. Giá như, tôi đã để ý, cuốn sách cuối cùng tôi thấy trong túi xách của cô, vào đêm hôm đó. Biết đâu...

Tuesday, January 13, 2015

Số phận một chiếc ly

Đó là một chiếc ly không lấy gì làm đặc biệt, ngoài đôi ba vân hoa giản dị khắc trên thành ly – những vết khắc mà tôi chỉ nhớ bằng xúc giác vì hầu như không để mắt đến chúng, trong lần nâng ly đầu tiên. Tôi đã tình cờ cầm chiếc ly ấy trong tay trong bữa cơm tối sum họp cuối năm với bố mẹ chồng giữa một đêm mưa tầm tã ở ngoại ô New York.
Tối hôm đó, bố chồng tôi trịnh trọng mở một chai champange để mừng gia đình đoàn viên và mừng mọi thành viên trong nhà đã hoàn thành được nhiều việc lớn. Sau những giây phút nói cười rộn rã, ông trầm ngâm nâng ly rượu lên ngắm nghía, rồi thủ thỉ kể chuyện lịch sử gia đình. Chiếc ly là một chứng nhân cho lịch sử ấy.
Nó là một chiếc ly pha lê hình phễu nhỏ nằm trong bộ ly sáu chiếc và hầu như không có nét gì nổi bật so những ly tách sang trọng khác trong nhà. Nhưng đó lại là bộ ly được bố mẹ chồng tôi nâng niu trân quý nhất. Chiếc ly ấy cùng nhiều đồ gia dụng khác đã theo chân ông bà nội của chồng tôi lênh đênh trên tàu biển trong suốt một hải trình dài di cư từ Đức sang Mỹ cách đây gần 77 năm.
Chiếc ly ấy cùng những đồ gia dụng khác lẽ ra đã không phải di chuyển đi đâu cả, nếu ông bà nội của chồng tôi không đi nghỉ ở Hà Lan vào mùa xuân năm 1938. Ông nội là một bác sĩ giỏi ở Đức, lúc đó có một gia đình nhỏ với vợ và hai con trai. Trước khi đi nghỉ ở Hà Lan, ông chưa từng nghĩ đến việc đi ra khỏi nước Đức – nơi tổ tiên người Do Thái của ông đã chọn dừng định cư sau rất nhiều lần lang bạt di cư khắp Châu Âu.  Mùa xuân năm đó, ông bà nội đưa hai con trai đi nghỉ ở Hà Lan và kinh ngạc nhận ra tình hình tồi tệ ở nước Đức lúc bấy giờ khi đọc báo chí Hà Lan. Rất nhiều khi, người ta chỉ có thể nhận ra thực tế đáng sợ xung quanh khi đã thoát ra khỏi cái lồng yên ổn vẫn sống hàng ngày. Dù kì nghỉ đã không hoàn thành được nhiệm vụ hàng đầu là giúp cả nhà nghỉ ngơi nhưng nó lại là sự kiện thúc đẩy một quyết định sống còn cho cả gia đình. Ông nội lập tức ra quyết định rời khỏi nước Đức càng sớm càng tốt, trước khi cả gia đình bị nghiền nát trong cỗ cối xay Holocaust của quân Phát xít.
Mùa thu năm 1938, chiếc ly tôi cầm trong tay giữa đêm mưa New York ấy đã cùng với ông bà nội rời khỏi Đức, trong một hành trình cố tình kéo dài qua Thuỵ Sỹ, Pháp rồi mới đến Anh xuất cảng đi Boston. Theo luật di cư thời đó ở Đức, những người di cư không được phép mang quá 10 đô la tiền mặt một người mỗi ngày trong hành trình đến vùng đất mới. Đó là lí do mà ông bà nội đã phải tìm cách kéo dài hành trình với cung đường dài nhất bằng việc ghé thăm tất cả họ hàng ở Châu Âu trước khi thực sự đến Anh để lên tàu đi Mỹ. Cũng theo luật di cư, họ được phép mang các đồ đạc gia dụng đi theo, bởi vậy sau khi quay trở về từ kì nghỉ ở Hà Lan, ông bà nội tất bật lên danh sách những món đồ sẽ mang theo chuyến di cư để những người quản lí việc di cư ở Đức thời đó kiểm tra trước khi chấp thuận. Chiếc ly nhỏ đã may mắn nằm trong danh sách ấy và sang Mỹ trót lọt cùng với những giường, tủ, bàn làm việc, nồi niêu xoong chảo, bát đĩa...
 Lênh đênh trên biển suốt mấy tuần, cuối cùng, cả gia đình đã cập bến Boston an toàn cùng tất cả đồ đạc và một khoản tiền mặt không nhiều nhặn gì. Chiếc ly mỏng manh tôi cầm trên tay may sao cũng đến Mỹ lành nguyên không sứt mẻ. Bắt đầu một cuộc sống mới với cả một gia đình phải lo toan, ông nội chọn cách vừa đi học để lấy lại bằng bác sĩ ở Mỹ, vừa kiếm việc lao động chân tay ở một bệnh viện nhỏ trong vùng để nuôi gia đình. Có lẽ, chiếc ly nhỏ cùng những đồ đạc thân quen đã vượt đại dương trong hành trình di cư của gia đình mùa thu năm đó đã phần nào mang lại chút cảm giác thân thuộc, ấm áp cho những người phải đột ngột quyết định rời khỏi mảnh đất gắn bó để sống tiếp ở một nơi xa lạ. Ít nhất, bà nội vẫn sẽ nấu cơm bằng những nồi niêu bà từng dùng ở Đức, dù những bữa cơm trong những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ có thể đạm bạc hơn thuở ở quê nhà. Ông nội vẫn có thể nhấm nháp chút rượu vang bằng chiếc ly quen trong những ngày đông lạnh giá để hồi tưởng đến những ngày sung túc chưa xa trước cuộc di cư, để gắng gầy dựng lại sự nghiệp trên đất mới.
Tôi thảng thốt ngắm lại chiếc ly nhỏ trong tay khi nghĩ về những trải nghiệm thời gian và không gian của nó, kinh ngạc thấy những vân hoa vẫn sắc nét bất chấp thời gian, bất chấp những va chạm và cầm nắm từng trải qua trong quãng sống bằng cả một kiếp người. Chiếc ly nhỏ bỗng sáng bừng ánh sáng kỉ niệm và kí ức. Tôi không dám hình dung điều gì đã xảy ra nếu chiếc ly này không có mặt ở đây - trên tay tôi, nếu nó đã ở lại nước Đức một thời nằm trong tay quân Phát xít. Có lẽ ông nội của chồng tôi cũng đã từng có những từ khước hình dung như tôi, khi quyết định bỏ lại toàn bộ nhà cửa đất đai sản nghiệp để ra đi, đến một chân trời lạ.
Nhìn sâu xuống đáy ly hình chóp, tôi tự hỏi: bao nhiêu mùi rượu đã đi qua? Bao nhiêu tay cầm, bao nhiêu môi nhấp? Bao nhiêu ngụm buồn, bao nhiêu ngụm vui? Bao nhiêu hơi cay, bao nhiêu men đắng? Bao nhiêu cực nhọc tủi hờn đã đi qua, bao nhiêu nỗi niềm của những phận người bị con sóng lịch sử quăng xa khỏi nơi chôn rau cắt rốn đã đóng cặn vào đáy cốc?

Soi mắt nhìn mưa đêm qua thành ly mỏng mảnh, lòng tôi bỗng dễ vỡ như pha lê.

Đạo Hồi và định kiến

Vụ thảm sát đẫm máu khiến 12 người thiệt mạng ở toà báo Charlie Hebdo vào ngày 7/1 kinh động toàn thế giới. Những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Nước Pháp thở phào, tháp Eiffel lại thắp đèn giữa Kinh đô Ánh sáng. Nhưng biết bao nhiêu câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng trên đầu những người có lương tri.
Vẫn còn đó một đám đông phẫn nộ. Vẫn còn đó những xung đột dai dẳng giữa con người với con người ẩn nấp sau bức màn tôn giáo và tự do. Vẫn còn đó những cực đoan nhân danh tôn giáo. Vẫn còn đó, ngổn ngang giữa những bạo lực và bạo loạn, một nỗi sợ hãi kinh hoàng của con người - nỗi sợ hãi phải sống trong một thế giới quá nhiều định kiến.
         Khi đọc những dòng tin tức về thảm kịch xảy ra ở Paris, tôi không khỏi có những giây phút ngược trở về với cái định kiến ngây ngô từng nằm sẵn trong đầu về mối dây liên hệ giữa đạo Hồi và khủng bố, sau bao nhiêu bận sửng sốt đọc tin về các vụ khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan nào đó hoặc những tin tức về Nhà nước Hồi giáo ISIS. Cho đến cách đây vài ba tháng, trước khi thực sự có một người bạn theo đạo Hồi, tôi vẫn thường hồ nghi những chiếc khăn trùm đầu hijab và có ý né tránh những người Hồi giáo nếu tình cờ thấy họ trên phố. Tôi sợ - nỗi sợ bắt nguồn từ định kiến cố hữu do thiếu hiểu biết. Cũng vì sợ hãi, tôi hầu như đã đóng sập cánh cửa giao tiếp với người theo đạo Hồi, tự nhốt mình trong sự tối tăm của định kiến và bảo thủ.
         Tôi đã sống trong định kiến mù tối như thế mà không hề hay biết cho đến cách đây vài ba tháng, tôi tình cờ được xếp chung nhóm với Ben - một chàng trai trẻ người Uzbekistan trong lớp học tiếng Anh ở một trường Cao đẳng. Khi biết Ben là người Hồi giáo, tôi không khỏi có chút e ngại trong giao thiệp nhưng càng tiếp xúc, tôi càng nhận ra cái định kiến ngớ ngẩn bấy lâu nay của mình.
 Chàng trai mới bước qua ngưỡng tuổi 20 ấy đã khiến tôi từ chỗ e dè trở nên khâm phục khi biết rằng, cậu nuôi giấc mơ sang Mỹ học hành từ thời phổ thông. Khi đã một mình sang đến Mỹ, cậu vừa đi học, vừa đi làm toàn thời gian để kiếm tiền trang trải chi phí học hành và sinh hoạt. Công việc lái xe đưa đón bệnh nhân ở một bệnh viện tại San Francisco khiến cậu phải dậy từ lúc 5 giờ sáng. Ngày đi làm, tối đi học nhưng Ben không bao giờ quên cầu nguyện 5 lần một ngày vì cậu tôn thờ đấng tiên tri Muhammad và vô cùng sùng đạo. Thứ 6 hàng tuần - nhân ngày được nghỉ việc, cậu dành 2 tiếng đồng hồ đến nghe giảng đạo ở một nhà thờ Hồi giáo. Ben đã vô cùng sửng sốt khi nghe tôi bảo rằng tôi là người vô thần. Cậu ra sức “giảng đạo” cho tôi và thậm chí còn thuyết phục tôi đi thăm nhà thờ Hồi giáo cùng với cậu.
Nhờ theo chân Ben, tôi đã tự mở ra một cánh cửa cho riêng mình, sau hai tiếng đồng hồ phải trùm khăn hijab như người Hồi giáo, ngồi khép nép nghe một thầy tu đạo Hồi rao giảng kinh Cô-ran, giữa những người phụ nữ hoàn toàn xa lạ. Một phụ nữ tên là Fayza sau khi nghe người cai quản thánh đường giới thiệu tôi là người đến tìm hiểu về đạo Hồi đã tận tình lấy giúp khăn trùm đầu và hướng dẫn, giải thích các hành động nghi lễ trong giờ nghe giảng đạo. Tôi nhớ nụ cười xoà vô tư của Fayza khi thấy một đôi lần, do không biết, tôi vô tình thất thố với những người xung quanh khi họ đang khấn nguyện.
 Dù không thay đổi được thực tế rằng tôi vẫn là một người vô thần, Ben và những người phụ nữ Hồi giáo sùng đạo tôi gặp ngày hôm ấy đã giúp tôi phá bỏ định kiến về đạo Hồi và những ngộ nhận về mối quan hệ giữa đạo Hồi và khủng bố. Tôi hiểu rằng: đạo Hồi không (nên) được định nghĩa bằng bạo lực và khủng bố.
Một lần, trong khi tranh luận về việc Đức Chúa Trời có tồn tại hay không, Ben vui miệng kể cho tôi nghe câu chuyện rằng: trong một lớp học, ông thầy giáo vô thần khăng khăng khẳng định làm gì có Chúa ở trên đời. Thấy mắt học trò nghi hoặc, ông hỏi: Chúa ở đâu, các trò chỉ cho tôi. Trong lớp học này, tôi chỉ thấy sự hiện diện của tôi và các trò mà thôi. Một cậu học trò đứng lên hỏi: Thưa thầy, tôi xin hỏi thầy, trí não của thầy ở đâu, suy nghĩ của thầy ở đâu? Tôi không nhìn thấy nó. Như thế nghĩa là thầy không có não, không có suy nghĩ phải không? Tương truyền, người học trò đó chính là nhà bác học Einstein.

Tôi nhớ đến câu chuyện của Ben khi nghĩ đến định kiến vô hình về người Hồi giáo của mình. Nếu chúng ta xoá bớt đi những định kiến vô hình, nhất là những định kiến bắt nguồn từ sự khước từ học hỏi, khước từ cảm thông, khước từ bao dung, có lẽ đời sống này sẽ dễ dàng hơn, thế giới này sẽ bình yên hơn chăng?
Bài đã đăng ở: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/216409/tham-sat-paris--nhung-cau-hoi-treo-lo-lung.html